Diễn biến Chiến_dịch_Trị_Thiên

Năm 1972, nhằm tạo áp lực lên bàn hội nghị hòa bìnhParis, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở một chiến dịch lớn đánh vào Quảng Trị (Chiến dịch Trị Thiên), chọc thủng phòng tuyến của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), chiếm được thị xã Quảng Trịthành cổ, tiến đến bờ bắc sông Mỹ Chánh, uy hiếp Thừa Thiên-Huế. Nhận thấy nguy cơ vùng 1 chiến thuật bị mất vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã huy động toàn bộ lực lượng chiếm lại Quảng Trị với sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu, quân VNCH dưới sự yểm trợ của Mỹ (kết hợp pháo hạm và pháo trên bộ, dùng B-52 ném bom trải thảm, cứ 30 phút 1 đợt B-52, độ tàn phá bằng 8 quả bom nguyên tử đã thả ở Hiroshima)[9], huy động bộ binh, lính dù, thủy quân lục chiến tấn công dữ dội hòng chiếm lại thành cổ Quảng Trị và cuộc chiến này đã diễn ra suốt 81 ngày đêm từ ngày 28 tháng 6 năm 1972 đến 16 tháng 9 năm 1972.

Giai đoạn 1: Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công

Bão táp 1

Chiến dịch Xuân - Hè 1972 có 3 chiến trường chính, Quảng Trị, Kontum-Pleiku, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước). Trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị.

Sáng ngày 30-3-1972, nhận được tin do lực lượng quân báo mặt trận báo cáo về việc Trung đoàn 56 Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên hướng chủ yếu của chiến dịch đang cho các tiểu đoàn vào thay quân ở điểm cao 541 và Đồi Tròn, Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên thống nhất đề nghị Bộ Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho bộ đội nổ súng vào 11 giờ 30 phút (thay vì 16 giờ của kế hoạch cũ). Đề nghị được chấp nhận. Ngày 31-3-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra lời kêu gọi: "Trước nhiệm vụ lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Trung ương Đảng kêu gọi các cấp ủy đảng, các cấp chỉ huy, toàn thể đảng viên, đoan viên, cán bộ, chiến sĩ hãy ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu, có quyết tâm cao nhất, đem hết sức mình, kiên quyết chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho Tổ quốc."[10]

11 giờ ngày 30/3/1972, Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn hạ lệnh: "Bão táp I". Mở màn chiến dịch, năm cụm pháo binh gồm hàng trăm khẩu bố trí trận địa từ Trung Hải, Lăng Cô (đông bắc) tới Sa Pa, Ba Hi (hướng nam), với phần tử xạ kích đã được tính toán kỹ, tới tấp nã đạn vào các mục tiêu Dốc Miếu, Dốc Sỏi, Cồn Tiên, miếu Bái Sơn, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Tân Lâm, Động Toàn, Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử… Tổng cộng 247 khẩu pháo, súng cối các loại của bộ đội pháo binh đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch[11].

Sau cuộc bắn phá của pháo binh kéo dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8.000 viên đạn các loại, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công. Hỏa lực chế áp của pháo binh tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng xông lên, ấp sát mục tiêu.

  • Cánh Bắc do trung đoàn 27 và trung đoàn 48 bộ binh (Sư đoàn 320) đảm nhiệm. Ở hướng tiến công của Trung đoàn 27, pháo vừa chuyển làn, tiểu đoàn 2 đã ào lên đánh chiếm điểm cao 544 chỉ 20 phút. Tiếp đó, Tiểu đoàn 2 tràn xuống bao vây công kích ở Đồi Tròn. Trong lúc hỏa lực súng cối, ĐKZ, 12.7 mm bắn phá mãnh liệt, một bộ phận lực lượng các trung đoàn được lệnh sử dụng hai bộ vũ khí FR đánh phá nhiều lớp rào kẽm gai mở cửa vào căn cứ, bộ đội đánh tràn lên. Đến 10 giờ 30 phút ngày 31-3, Trung đoàn 27 đã chiếm Đồi Tròn, diệt gọn 2 tiểu đoàn và một đại đội thuộc sư đoàn 3 VNCH, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn và một đại đội khác, bắt sống 130 lính, trong đó có tiểu đoàn trưởng, phá hủy 5 xe tăng, thu một xe tăng M41 và một xe GMC. Hai căn cứ tiền tiêu cực kỳ quan trọng ở bắc đường số 9 đã bị hạ một cách nhanh chóng.

Cùng thời gian này, ở khu vực Cồn Tiên, Đoàn bộ binh 31 nhanh chóng bao vây, chia cắt, tiêu diệt quân cơ động ở vòng ngoài; sau đó, cùng lực lượng vũ trang địa phương vây hãm căn cứ. Lo sợ những đòn tiến công sắp tới, ngay chiều ngày 31-3, quân VNCH ở Cồn Tiên bỏ căn cứ chạy về miếu Bái Sơn, mở đầu cuộc rút chạy trên tuyến phòng thủ vòng ngoài.

  • Cánh Tây - cánh trọng yếu của chiến dịch do Sư đoàn 304 đảm nhiệm, sáng 30-3, 11 giờ 45 phút, pháo binh tới tấp dội đạn xuống hàng loạt các căn cứ rải dọc hai bên đường 9, dọc hàng rào điện tử McNamara. Tại khu vực điểm cao 252, chớp thời cơ quân VNCH hoảng loạn do bị hỏa lực pháo binh chế áp, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 sử dụng Tiểu đoàn 2 dâng cao đội hình công kích điểm cao này. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 2 và bộ phận tăng cường đã làm chủ điểm cao 252, diệt và bắt sống 150 lính. Trưa ngày 31-3, Tiểu đoàn 2 và lực lượng phối thuộc tiếp tục tiến công cứ điểm Đầu Mầu, sau hai giờ chiến đấu đã làm chủ căn cứ, diệt gọn Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 56 quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng, và Trung tá Vĩnh Phong, Trung đoàn phó, cùng 600 binh sĩ Trung đoàn 56 Bộ binh đóng trong căn cứ Caroll ra đầu hàng phía Quân đội Nhân dân Việt Nam.[12][13][14]
  • Cánh Đông, Đoàn đặc công hải quân 126 táo bạo tiến công Duyên đoàn 11 quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Cảng Cửa Việt, sau đó triển khai đội hình khóa chặt quân cảng này. Căn cứ Dốc Miếu nằm bên trục đường 1 bị pháo ta bắn phá thiệt hại nặng nề và bị vây hãm từ ba phía. Sáng ngày 1-4, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh phối hợp chặt chẽ với bộ đội đặc công và dân quân, du kích địa phương tiến công tiêu diệt các lực lượng bảo an, dân vệ ở các thôn ấp, tiểu khu, giải phóng quận lỵ Gio Linh, khu tập trung Bến Ngự, Mai Xá Thị, Hà Thượng, Xuân Khánh…
  • Cánh Nam do Sư đoàn 324 đảm nhiệm. Gần 11 giờ trưa ngày 30-3-1972, có 2 máy bay trực thăng tiếp tế cho lực lượng đang chốt giữ điểm cao 365. Khi máy may trực thăng vừa đáp xuống hai bãi đỗ thì lệnh tiến công trên toàn tuyến phát ra. Ngay từ loạt đạn đầu, hai chiếc trực thăng và một số mục tiêu lộ đã bị trúng đạn, bốc cháy. Đến 1 giờ, hầu hết hỏa điểm lộ trong căn cứ 365 bị phá. Trung đoàn 1 lần lượt xung phong tiêu diệt những ổ kháng cự. 19 giờ thì làm chủ trận địa. Mất điểm cao 365, quân VNCH ở điểm cao 367 rút chạy về căn cứ Phượng Hoàng.

Cùng thời gian, Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 ở cánh Tây Bắc cũng xiết chặt vòng vây, công kích mãnh liệt ở Tân Lâm và căn cứ ở điểm cao 241. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, toàn bộ trung đoàn 56 VNCH gồm 2.000 quân trong căn cứ và các trận địa hỏa lực trực thuộc (gồm 4 khẩu pháo 155 ly và 4 khẩu "vua chiến trường" M107 cỡ 175 ly) do viên trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy chấp nhận đầu hàng.[15].

12 giờ 45 phút ngày 2-4, toàn bộ khu vực phòng thủ cánh Tây Bắc của VNCH bị phá vỡ. Đến ngày 4-4-1972, tuyến phòng thủ vững chắc vòng ngoài được gọi là "lá chắn thép" đã bị phá vỡ, buộc VNCH phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 - bắc Quảng Trị và bốn căn cứ trung đoàn, bảy căn cứ tiểu đoàn. Ba huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh với hơn mười vạn dân đã thuộc về Quân Giải phóng. Trưa ngày 4/4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.

Bão táp 2

Bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài, quân Việt Nam Cộng hòa vội vã tăng cường lực lượng đối phó. Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ Sài Gòn bay ra Huế thị sát và vội mở cuộc họp với các tư lệnh quân khu, sư đoàn, lữ đoàn để bàn cách cố thủ. Ngày 4 tháng 4, Mỹ cho không vận lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra Mỹ Chánh. Ngày 5 tháng 4, điều tiếp ba liên đoàn biệt động quân số 4, 5, 6 từ quân khu 2, quân khu 4 ra tăng cường cho Đông Hà, Quảng Trị. Như vậy chỉ trong hai ngày, bằng sự nỗ lực cao nhất, quân đội Sài Gòn đã điều thêm 9 tiểu đoàn tới chiến trường nóng bỏng Quảng Trị.

15 giờ ngày 8-4, pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện kế hoạch "Bão táp 2", giáng xuống các sở chỉ huy, trận địa pháo, kho tàng, vị trí tập kết ở Đông Hà, Ái Tử... tổng cộng 2.713 viên đạn pháo cỡ lớn.

5 giờ sáng ngày 9 tháng 4 năm 1972, trên hướng Đông Hà do Sư đoàn 308 đảm nhiệm, Trung đoàn 36, Trung đoàn 102 được 2 đại đội xe tăng yểm trợ đã đột phá mãnh liệt trên một cánh cung dài khoảng 8 km từ chùa Tám Mái tây bắc Đông Hà đến điểm cao 32, qua dãy Động Quai Vạc. Sau 2 giờ chiến đấu đã chiếm được một số mỏm đồi phía bắc và phía tây, tiêu diệt một loạt tổ chốt hỗn hợp bộ binh và xe tăng. Nhưng sau đó, quân đội Sài Gòn phản kích quyết liệt. Trung đoàn 36 phải điều phân đội xe tăng dự bị từ phía sau lên tổ chức đột phá nhưng bị xe tăng đối phương bí mật mai phục trong công sự bắn hỏng mất 6 xe tăng.

Ở phía tây Ái Tử, 5 giờ sáng ngày 9 tháng 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 được xe tăng yểm trợ đánh chiếm căn cứ Phượng Hoàng. Chiều hôm đó, VNCH phản kích chiếm lại căn cứ.

Như vậy qua hai ngày chiến đấu, tiến công quân địch trên tuyến phòng thủ Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam không những không làm chủ được các mục tiêu được giao, ngược lại còn bị tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến đấu. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm, đặc biệt là khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, không nắm chắc địch. Tướng Lê Trọng Tấn chỉ đạo: Đối với các cụm Đông Hà, Ái Tử không dùng lối đánh ồ ạt chớp nhoáng, mà phải đánh nhiều đòn liên tục, làm rạn vỡ từng đoạn, tiến tới đập tan bằng một đòn quyết định.

Thực hiện chủ trương của Tư lệnh chiến dịch, từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam một mặt vừa chuẩn bị cơ sở vật chất cho một đợt chiến đấu lớn, mặt khác, tổ chức những trận đánh nhỏ và vừa nhằm tiêu hao sinh lực địch, giữ vững vị trí đứng chân.

Từ ngày 12 đến ngày 25-4-1972, trên hướng Đông Hà, Sư đoàn 308 chỉ thị cho Trung đoàn 36 chốt giữ khu vực Tây Trì tổ chức các trận đánh tập kích tiêu hao lực lượng bộ binh và xe tăng, sau đó tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 57 quân Sài Gòn ở điểm cao 30, 28. Trung đoàn 102 khẩn trương xây dựng lực lượng mạnh để đột phá các mục tiêu chủ yếu, trước mắt tổ chức đánh nhỏ lẻ bóc vỏ các điểm cao 25, 30, 36; tạo lập bàn đạp chuẩn bị đột phá phía nam Đông Hà và bắc cầu Lai Phước. Trung đoàn 48 (đơn vị tăng cường) tích cực hoạt động ở tây và nam Tân Vĩnh. Trung đoàn 58 pháo binh đưa Tiểu đoàn 10 lựu pháo 122 ly vào động Quai Vạc để vươn tầm bắn tới thị xã Quảng Trị.

Trên hướng Ái Tử, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đánh một số trận vào An Đông, Nhan Biều, áp sát cầu Quảng Trị. Ngày 10-4-1972, tại cầu Quảng Trị đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt của Trung đội 2 (thuộc C11 D3 E9 F304), do Trung đội trưởng - thượng sĩ Mai Quốc Ca chỉ huy. Sau khi cùng đại đội đánh sập cầu Quảng Trị, Trung đội 2 đã bám trụ tại đây, đương đầu với 3 tiểu đoàn (có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ). Với 20 tay súng, trong suốt một ngày cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công. 19 chiến sĩ đều hy sinh sau khi đã hạ khoảng 100 lính và diệt 1 xe quân sự. Trung đội 2 được trao tặng danh hiệu "Trung đội 1 thắng 100" - Trung đội Mai Quốc Ca.[16]

Quân đội Sài Gòn cũng thay đổi chiến thuật phòng ngự, kết hợp giữa xe tăng và bộ binh tạo thành từng cụm phòng ngự di động, luôn thay đổi vị trí, tránh bị tập kích diệt gọn. Để đánh bại chiến thuật "xe tăng bầy", "vỏ thép cứng di động" và phá vỡ hệ thống phòng ngự này, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, mở một đợt "đệm", phát động phong trào "săn xe tăng địch", tổ chức các trận đánh nhỏ, vừa tiêu hao sinh lực địch vừa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết định.

Đặc biệt, trong đợt hoạt động này, lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa vào sử dụng tên lửa chống tăng AT-3 Sagger (VN gọi là B-72), gồm 23 bảng bắn, 50 bệ, 500 viên đạn cùng với hỏa lực B-40, B-41, ĐKZ, sơn pháo 85 ly để diệt xe tăng. Trong trận đánh ngày 23-4, các khẩu đội B-72 Lục Vĩnh TưởngLê Văn Trung, với 32 viên đạn và được sự hỗ trợ đắc lực của các phân đội bộ binh, bắn cháy 14 xe tăng, xe thiết giáp, trong đó có 5 chiếc tăng hạng nặng M48 Patton và 3 chiếc M-113.

Bão táp 3

5 giờ sáng ngày 27/4, quân Giải phóng mở đợt tiến công quyết định chiến trường. Mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quảng Trị, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy, giải phòng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, sau đó nắm thời cơ, phát triển tiến công địch ở Thừa Thiên.

Sáng ngày 28-4-1972, cuộc tiến công quy mô lớn tiếp tục diễn ra. Mở màn, pháo binh chiến dịch trút đạn xuống trận địa. Bốn cụm mục tiêu Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị chìm trong khói lửa. Nửa giờ sau, các sư đoàn bộ binh, các trung đoàn độc lập có xe tăng yểm trợ đồng loạt tiến công. Hướng Sư đoàn 304, Trung đoàn 24 đang triển khai đội hình phát triển vào Ái Tử thì cụm hỗn hợp bộ binh và xe tăng chốt vòng ngoài ngăn chặn. Chỉ huy Trung đoàn cho một phân đội dựa vào bình đội khuất, vòng trái nổ súng thu hút địch. Quân VNCH cho 10 xe tăng, xe thiết giáp và nhiều bộ binh dàn hàng ngang xông thẳng vào phân đội nghi binh. Theo kế hoạch hiệp đồng, hai tiểu đội tên lửa chống tăng B-72 được lệnh phát hỏa. Sáu chiếc xe tăng M48 Patton bốc cháy. Những chiếc xe còn lại vội vã quay đầu rút lui. Cùng lúc, Trung đoàn 48 (sau khi tiêu diệt căn cứ Tân Vĩnh ngày 27-4) đã chia làm hai mũi, một mũi phát triển xuống phía nam Tân Vĩnh hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương giải phóng xã Triệu Giang, Triệu Ái (Triệu Phong); một mũi tiến xuống nam cầu Lai Phước tiêu diệt các ổ kháng cự trên đưởng rồi thọc thẳng ra sân bay.

10 giờ, pháo binh chiến dịch bắn phá mãnh liệt khu vực cầu Lai Phước. Pháo vừa dứt, bộ binh và thiết giáp của Trung đoàn 102 ồ ạt phát triển qua đường sắt, chiếm khu vực ven sông, khống chế hai đầu cầu, bắn cháy một lúc ba xe tăng. Tổ bộc phá công binh cảm tử bao gồm Bùi Minh Quyết, Hoàng Xuân Lạng, Phạm Công Dũng thay nhau lao lên mặt cầu liên kết và cho nổ khối bộc phá 120 kg, phá sập cầu Lai Phước. Cầu Lai Phước bị cắt đứt báo hiệu giờ cáo chung của căn cứ Đông Hà. Trước 30-4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm thị xã Đông Hà, ngày 30/4 chiếm Thị xã Quảng Trị, thu được khá nhiều xe tăng, pháo, đạn dược và sử dụng ngay vào cuộc chiến.

Ngày 1-5, các cụm cứ điểm ở bắc sông Thạch Hãn bị thất thủ, quân VNCH ở thị xã Quảng Trị hoang mang cực độ, bắt đầu "rút lui theo kế hoạch", nhưng bị Sư đoàn 324 chặn đánh quyết liệt ở cầu Nhùng, cầu Bến Đà, cầu Đài. Hơn 100 xe tăng - thiết giáp tập trung ở La Vang Thượng. Quân Giải phóng điều Sư đoàn 324 (thiếu) cắt đường số 1, pháo binh chiến dịch tập trung hỏa lực bắn vào La Vang Thượng.

Không thực hiện được ý định "rút lui có tổ chức", gần 20.000 quân Sài Gòn phải vứt bỏ lại toàn bộ xe pháo, tan rã không còn hàng ngũ. Sư đoàn 3 VNCH phải rút lui về bên kia sông Mỹ Chánh, trung đoàn xe tăng số 20 gồm 57 xe tăng M48 Patton (loại hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ) bị mất toàn bộ số xe. Đến ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.

Các cố vấn Mỹ lên máy bay chạy về Sài Gòn. Viên chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Mặt trận Quảng Trị cũng dùng trực thăng chạy về Đà Nẵng. Trước thất bại nặng ở Trị - Thiên (đặc biệt là Quảng Trị), Vũ Văn Giai tư lệnh sư đoàn 3 Bộ binh bị cách chức và bị tòa án binh kết án 6 năm tù. Nguyễn Văn Thiệu cũng cách chức Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân khu 1, đưa viên tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 4 ra thay, đồng thời điều thêm 5 lữ đoàn, trung đoàn từ Sài Gòn và Đà Nẵng ra Huế lập tuyến phòng thủ mới kéo dài từ nam sông Mỹ Chánh đến tây đường 12, hòng ngăn chặn cuộc tiến công vào Huế, tạo lập bàn đạp phản kích, lấn chiếm lại vùng vừa rơi vào tay Quân giải phóng.

Tổng kết đợt 1

Nhìn chung cuộc tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đạt thành công lớn.[17] Toàn bộ phòng tuyến phía Bắc Quảng Trị do Hoa Kỳ và VNCH dày công xây dựng đã bị chọc thủng, cùng với đó là tổn thất nặng nề về quân số và trang bị. Chỉ tính riêng Lữ đoàn 1 thiết giáp thuộc Sư đoàn 3 VNCH đã tổn thất như sau: 1.171 chết, mất tích hoặc bị thương, mất 43 chiến xa M48 Patton (loại xe tăng hiện đại bậc nhất của Mỹ khi đó), 66 chiến xa M41 và 103 xe thiết giáp M113. Các đơn vị pháo binh của quân VNCH bị mất 140 đại bác các loại[18]. Trung đoàn xe tăng số 20 gồm 57 xe M48 Patton (cũng thuộc Sư đoàn 3 VNCH) thì bị mất toàn bộ số xe.

Chỉ trong hơn 2 tháng tiến công, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố đã diệt và làm bị thương 27.458 lính, bắt 3.388 lính, trong đó có Sư đoàn 3 Bến Hải, Lữ đoàn 147 TQLC, 2 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn và nhiều đơn vị khác bị thiệt hại nặng. Phá hủy hoặc thu giữ 636 xe tăng, xe thiết giáp (thu 36 xe), 1.870 xe quân sự, 419 pháo hoặc súng cối các loại, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay, thu gần 3000 súng bộ binh, 310 máy vô tuyến điện.[3] Bộ chỉ huy nhận định:

"Chiến dịch tiến công Trị - Thiên (Hè 1972) đạt hiệu quả lớn. Trên chiến trường miền Nam lần đầu tiên ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều trung đoàn, đánh quỵ một sư đoàn quân Ngụy, lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh Quảng Trị"[19]

Tuy nhiên phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sau các cuộc chiến cũng bị thiệt hại nhiều, bổ sung không kịp vì không quân Mỹ oanh tạc các tuyến vận chuyển kể cả ở miền Bắc, đánh vào các căn cứ tập kết quân, kho hàng, đường giao thông nên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thiếu hậu cần bổ sung, đặc biệt là đạn pháo và nhiên liệu cho xe tăng. Đặc biệt các đơn vị tập kết ở phía tây Huế để chuẩn bị tấn công còn thiếu cả đường đưa xe pháo vào vị trí tập kết, Cầu Quảng Trị qua sông Mỹ Chánh bị quân VNCH cho đặt thuốc nổ phá hủy khiến xe tăng không di chuyển được.

Nhân lúc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không đủ sức tấn công tiếp, quân VNCH với phương tiện vận chuyển và tiếp tế hậu cần dồi dào do Hoa Kỳ cung cấp đã đưa được 2 sư đoàn Dù và Thuỷ quân lục chiến (mỗi sư đoàn có trên 15.000 quân) ra Vùng 1 cùng với sư đoàn 3 vừa tái tổ chức, đưa lực lượng ở Thừa Thiên từ 2 sư đoàn tăng lên 4 sư đoàn. Các đơn vị tăng thiết giáp cũng được Hoa Kỳ tái bổ sung số xe đã mất, với sự hỗ trợ của không quân, hải pháo Mỹ tổ chức phản kích lại. Sư đoàn trừ bị chiến lược Thuỷ Quân Lục Chiến được điều ra lập thành phòng tuyến, bộ binh và xe tăng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không vượt qua được. Tướng Thomas Bowen, cố vấn quân sự Mỹ tại Quân khu 1 cho biết, Mỹ đã thay thế các xe tăng và pháo binh mà Việt Nam cộng hòa bị mất và hư hại tại Quảng Trị. Hàng trăm đại bác từ Mỹ được chở thẳng sang và xe tăng được chở từ căn cứ Mỹ tại Nhật Bản tới để chuẩn bị cho một chiến dịch tiếp theo.[2]

Giai đoạn 2: Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản kích

Trước những tổn thất to lớn về lực lượng và phương tiện chiến tranh, đặc biệt là việc để mất tỉnh Quảng Trị, quân VNCH tỏ ra hoang mang, dao động mạnh. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa, tướng Cao Văn Viên viết: "Cuộc tiến công 1972 của địch đã làm nổi bật lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa"[20]

Để cứu nguy cho chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, ngày 2-4-1972, Tổng thống Nixon quyết định sử dụng một lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ trở lại đánh phá dữ dội miền Bắc. Trên chiến trường miền Nam, không quân và hải quân Mỹ cũng được huy động tối đa đánh vào đội hình chiến lược nhằm tiêu hao sinh lực và ngăn chặn các cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chi viện cho quân lực Việt Nam Cộng hòa phản kích chiếm lại các vị trí đã mất.

Kế hoạch tái chiếm Quảng Trị theo kế hoạch gồm 3 giai đoạn.

  • Từ 1 tới 10 tháng 6: Tướng Trưởng cho thay đổi các lực lượng trên những vị trí tiền phương, cho không vận các đơn vị dự bị chiến lược từ Sài Gòn ra tăng cường.
  • Từ 11 tới 18-6 Sư đoàn 1 tấn công vào căn cứ Veghel trong khi TQLC và Nhẩy Dù tấn công dò hướng bắc Mỹ Chánh dễ thăm dò lực lượng địch.
  • Từ 19 đến 27-6, QLVNCH nghi binh để đánh lừa các lực lượng đối phương về thời điểm và hướng tiến quân. Mục tiêu là đẩy lùi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra phía bắc sông Thạch Hãn, sau đó sẽ tấn công Cam Lộ và đổ bộ lên Cửa Việt và khoảng tháng 7.
  • Trong các giai đoạn, Không quân Mỹ huy động tối đa máy bay ném bom hạng nặng B-52 và pháo hạm hủy diệt nhằm yểm trợ cho lực lượng trên bộ.

Ngày 28/6 quân VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 với sư đoàn dù (3 lữ đoàn, sư đoàn TQLC (4 lữ đoàn), 3 Liên Đoàn Biệt Động Quân, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh vượt sông Mỹ Chánh tiến về Quảng Trị dưới sự yểm trợ mãnh liệt của pháo binh, B52, không quân Mỹ và VNCH, hải pháo của Hạm đội 7 Hoa Kỳ.

Hai ngày trước cuộc tấn công, pháo đài bay B-52, Hải pháo, Không quân chiến thuật và pháo binh oanh kích dữ dội các vùng tập trung quân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Lam Sơn 72 gồm 2 gọng kìm và một nỗ lực phụ Tây Nam Huế, Sư đoàn Dù tấn công từ Tây Nam Quốc lộ 1 về La Vang, TQLC tiến quân bên phải hướng Bắc Quốc lộ một trong khi đó Sư đoàn 1 có nhiệm vụ kìm chặt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tây Nam Huế, Sư đoàn 3 bảo đảm an ninh Ðà Nẵng, Sư đoàn 2 lùng diệt đối phương tại Quảng Ngãi.

Khi Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu thì các đơn vị Dù và TQLC đều tiến hành chậm hơn dự định. Tại Thạch Hãn, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phản ứng dữ dội, quyết tâm cố thủ. Được pháo binh yểm trợ mạnh, một tiểu đoàn TQLC được trực thăng vận về Ðông Bắc thành phố để cắt đường tiếp vận của đối phương. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết tâm tử thủ khu thành cổ Quảng Trị, khiến các mũi tấn công của VNCH bị khựng lại.

Tướng Ngô Quang Trưởng quyết tâm tái chiếm Quảng Trị và giao cho TQLC vì sư đoàn Dù đã bị thiệt hại nặng. Sư đoàn TQLC được giao trách nhiệm tiêu diệt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong thành cổ, nhưng vì họ tử thủ nên mục tiêu chiếm thành cổ trong 2 tuần đã bị kéo dài thành 12 tuần. Theo kế hoạch VNCH phải chiếm xong thành cổ vào cuối tháng 6, thực tế phải đến giữa tháng 9 đối phương mới rút quân.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tăng cường liên tiếp cho quân đóng trong Thành cổ để chống lại lần lượt 2 Sư đoàn tổng trừ bị của VNCH được hỏa lực Mỹ chi viện tối đa. Hai bên đụng độ dữ dội, pháo kích dữ dội hàng nghìn quả mỗi ngày lên một khu vực có diện tích chỉ vài km vuông. Hải pháo và phi cơ Mỹ ném xuống lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử, trong khi ấy Quân đoàn 1 VNCH tấn công liên tục, các đơn vị tiền phương được hoán chuyển để có cơ hội nghỉ ngơi. Tướng Trưởng dự định xin tăng viện một sư đoàn từ Vùng 4 nhưng hoàn cảnh không cho phép. Trong khi ấy sự tập trung nhiều sư đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị đã trở thành mục tiêu cho máy bay B-52 trải thảm, không quân chiến thuật và pháo binh đối phương oanh kích bắn phá. Theo Hoa Kỳ, đó là sai lầm chiến thuật của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam[21], nhưng phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thì cho rằng nỗ lực đó là cần thiết để duy trì thế mạnh của họ tại bàn đàm phán ở Paris.

"Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị" của chiến sĩ quân Giải phóng, tác giả Đoàn Công Tính

Đến 27/7 TQLC VNCH đổ 2 tiểu đoàn xuống huyện Triệu phong phía sau để cắt đường tiếp tế, đồng thời hoả lực không quân/pháo binh dựng thành hàng rào lửa phía sau để ngăn chặn việc tiếp tế của đối phương, tại thành cổ có lúc bộ đội bổ sung 100 tay súng mỗi ngày nhưng cũng không đủ thay thế tổn thất, thành cổ mỗi bề khoảng 500 mét đã hứng chịu hoả lực khủng khiếp của cả đôi bên. Những cuộc đọ súng ác liệt trong thị xã khiến QLVNCH thiệt hại rất nhiều mà không đẩy lui được đối phương ra khỏi trận địa chính.

Chiến dịch phản công đến tuần thứ 10 vào tháng 9 không được kết quả cụ thể nào. Dựa vào hỏa lực yểm trợ không giới hạn, QLVNCH quyết định tràn vào tấn công đợt cuối cùng, còn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tính đến hướng rút lui theo lệnh tướng Trần Quý Hai vào giữa tháng 9.

Ngày 8-9, sư đoàn Dù chiếm 3 căn cứ La Vang phía Nam thị xã. Ngày 9-9 Sư đoàn TQLC tấn công vào thành cổ nhưng bị chặn lại, không tiến vào được. QLVNCH và Hoa Kỳ tấn công nghi binh vào bãi Bắc sông Cửa Việt. Lữ đoàn 147-TQLC từ Ðông Bắc đánh xuống, Lữ đoàn 258 từ Ðông Nam đánh lên. Tuy nhiên trung đoàn 18 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (đơn vị chi viện trực tiếp cho thành cổ) vẫn đang hành quân thì được lệnh ngừng lại, tổ chức phòng ngự ở bờ bắc sông Thạch Hãn và đón lực lượng về.

Khuya 14-9 Tiểu đoàn 6 TQLC đột nhập một vách tường Ðông Nam thành cổ rồi tràn vào bên trong, sáng 15/9 các tiểu đoàn TQLC đánh vào phía Tây. Trong ngày 15/9 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục bị mất nhiều chốt. Bộ Chỉ huy thành cổ có lệnh rút lui. Sáng sớm 16/9 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rút lui hoàn toàn khỏi thị xã, một toán Cọp Biển đã cắm cờ trên nóc thị xã sau hơn 2 tháng tấn công và trễ hạn. Trong 10 ngày cuối cùng, theo VNCH tuyên bố có 2.700 bộ đội tử trận, trong khi quân VNCH thiệt mạng khoảng 150 Thủy quân lục chiến mỗi ngày (chưa kể số thiệt mạng của các đơn vị khác).

Đến đây QLVNCH cũng kiệt sức không thể tấn công tiếp. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam củng cố giữ bằng được trận địa ở bờ bên kia sông Thạch Hãn, không còn lúng túng nữa, họ quay về hướng phòng ngự. Chiến sự trở về thế cầm cự trong gần 1 tháng.

Để chiếm lại thành cổ, chỉ riêng sư đoàn Thủy quân Lục chiến VNCH có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% quân số toàn binh chủng[22], tổng số thiệt mạng của tất cả các đơn vị là 7.756, cùng với hàng ngàn lính khác bị thương. Phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận từ 4.000 tới 1 vạn bộ đội, hầu hết là do bị bom, pháo của Mỹ bắn phá.

Giai đoạn 3: Chiến trận ở bờ bắc sông Thạch Hãn

Sau khi rút khỏi khu vực thị xã và Thành cổ, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy yêu cầu bộ Chỉ huy chiến dịch nhanh chóng hình thành cách đánh mới, nhằm bảo đảm giữ vững thế trận; đồng thời, phái có phương án bố trí hệ thống trận địa phòng giữ hậu phương trực tiếp chiến dịch, đặc biệt là khu vực Ái Tử - Đông Hà - Cửa Việt. Bên cạnh đó, cần có phương án luân phiên tác chiến, đưa lần lượt đơn vị cũ ra phía sau để củng cố[23]

Từ cuối tháng 9 cho đến giữa tháng 10-1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hình thành ba khu vực phòng ngự cơ bản: khu vực phía đông do Sư đoàn 320 phụ trách gồm Triệu Phong, Gio Linh; khu vực phía tây, do Sư đoàn 308 và 304 đảm nhiệm bao gồm phía tây đường số 1 từ bắc Mỹ Chánh đến phía nam Thạch Hãn; Khu Giữa - khu phòng ngự chủ yếu, gồm phía tả ngạn sông Thạch Hãn, từ Nhan Biều, Ái Tử, Phượng Hoàng đến Đông Hà, Cam Lộ do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Các khu vực, các hướng hợp thành hệ thống phòng ngự hoàn chỉnh, vững chắc.[24] Tướng Lê Trọng Tấn tiếp tục chỉ huy thay cho tướng Trần Quý Hai (tư lệnh mặt trận B5).

Sau khi tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị, lực lượng quân lực Việt Nam Cộng hòa bị hao tổn lớn, phải mất 3 tháng bổ sung lực lượng và phương tiện chiến đấu. Nhưng do bị thúc ép về chính trị (cuộc đàm phán Paris về Việt Nam), Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục tập trung lực lượng, gấp rút hoàn chỉnh phương án hòng vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm tiếp Ái Tử, Đông Hà nhằm đánh chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, khôi phục lại tuyến phòng thủ Đường 9 như trước ngày 30-3-1972.

Bằng cuộc hành quân mang tên Lam Sơn 72A với lực lượng chủ yếu là sư đoàn TQLC, sư Dù, từ nửa cuối tháng 9-1972, VNCH đẩy mạnh nỗ lực quân sự trên hai hướng là đông và tây, hòng mở rộng bàn đạp để tiến lên chiếm khu vực Ái Tử, Đông Hà. Ở hướng đông, Sư đoàn thủy quân lục chiến tiến công các mục tiêu như An Lộng, An Hòa, Bích La, Cửa Việt; trên hướng tây, Sư đoàn dù tiến chiếm điểm cao 367, động Ông Do và tuyến nam sông Thạch Hãn, khu vực Tích Tường, Như Lệ, Đá Đứng.

Ngày 1-11-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 thông báo cho Sư đoàn 325: quân VNCH có ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công Nhan Biều, Ái Tử. 4 giờ sáng ngày 2-11-1972, đã có hai đại đội và cơ quan chỉ huy Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến VNCH vượt sang bờ tây sông đang triển khai đội hình trước chính diện phòng ngự của tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. 5 giờ sáng, các trận địa pháo của Mỹ-VNCH ở La Vang, thị xã Quảng Trị và pháo hạm từ biển bắn hàng nghìn quả đạn vào khu vực phòng ngự của trung đoàn 18, tập trung chủ yếu vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 8 ở Nhan Biều. Không quân Hoa Kỳ dùng máy bay phản lực ném bom xuống khu vực Ái Tử và phía sau làng Nhan Biều 1, máy bay B-52 rải 2 đợt vào dọc bờ sông Lai Phước.

8 giờ sáng ngày 2-11-1972, VNCH tổ chức tiến công gồm 3 mũi. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Sau gần 20 phút chiến đấu, bị thiệt hại nặng, quân VNCH phải lui về củng cố và yêu cầu pháo binh và không quân tiếp tục đánh phá. Sau đó tiếp tục tổ chức hai đợt xung phong nữa nhưng đều bị bẻ gãy. Đến khoảng 10 giờ trưa, số quân còn lại phải co thành hai cụm ven sông, mỗi cụm khoảng 30-40 lính chống cự và chờ quân phía sau vượt sông tăng viện. Khoảng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 18 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 8 tổ chức phản kích. Sau gần 20 phút đã tiêu diệt gần hết số quân đang co cụm. Quân VNCH còn lại khoảng 30-40 lính cố chống cự, nhưng đến sáng 3-11-1972 cũng bị tiêu diệt nốt. Như vậy sau hai ngày chiến đấu, lực lượng vượt sông gồm hai đại đội và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 6 thuộc Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến, trong đó có tiểu đoàn trưởng đều bị diệt; Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến bị xóa sổ. 5 tàu thuyền, 5 xe tăng-xe bọc thép, 8 ôtô bên bờ hữu ngạn sông bị bắn cháy. Cuộc hành quân Sóng thần 9 đã thất bại[25]

Giữa tháng 11-1972, quân lực Việt Nam Cộng hòa tiếp tục nỗ lực tiến công quân sự. Lúc này, VNCH dồn sức tiến công sang hướng thứ yếu. Trong cuộc hành quân mang tên Sóng thần 36, Hoa Kỳ và VNCH tập trung phi pháo với mật độ cao (50 lần chiếc cường kích, 18 phi vụ B52, 3.000-4.000 đạn pháo một ngày), đánh phá khu vực Long Quang, Thanh Hội. VNCH sử dụng các tiểu đoàn 6, 2 và 8 thuộc Lữ đoàn 367 lính thủy đánh bộ có thiết giáp và xe tăng M48 Patton yểm trợ, liên tiếp mở các đợt tiến công vào các vị trí phòng ngự của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở khu vực Long Quang - Thanh Hội.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 48 vượt sông sang bờ nam sông Thạch Hãn, cùng với lực lượng ở đây chặn đứng cuộc hành quân. Chiến sự ở khu vực bờ nam sông Thạch Hãn diễn ra ác liệt. Các lữ đoàn TQLC không vượt qua được các chốt Long Quang, Thanh Hội, các tiểu đoàn 1, 2, 8 TQLC mất sức chiến đấu phải rút ra củng cố. Ngày 4/12, Bộ tư lệnh B5 điều trung đoàn 48 (thiếu tiểu đoàn 2) và tiểu đoàn 3 (Quảng Trị) vượt sông phối hợp với quân giữ chốt phản kích, đẩy sư đoàn TQLC lùi về Bình An, Gia Đẳng, Ba Lang. Trong các trận này sư đoàn TQLC bị tổn thất nặng, thương vong 3.200 binh-sĩ, mất 49 xe tăngxe bọc thép, 16 trực thăng.

Mặc dù bị thiệt hại lớn, nhưng VNCH vẫn quyết tâm tìm kiếm một thắng lợi quân sự. Từ ngày 15-12, VNCH mở tiếp cuộc hành quân "Sóng thần 45" đánh ra khu vực Cửa Việt. Lần này huy động một lực lượng quân sự và xe pháo lớn tham chiến, bao gồm: Tiểu đoàn 4 và 579 thủy quân lục chiến, 3 chi đoàn xe tăng - thiết giáp, 15 đại đội bảo an theo hướng Linh An, Thạch Hội tiến ra Cửa Việt. Đương đầu với lực lượng tiến công này, Sư đoàn 320, trong vòng 11 ngày (từ 15 đến 25-12), đã chiến đấu quyết liệt chặn đánh tiêu hao, tiêu diệt hơn 1 nghìn lính, phá hỏng, phá hủy 23 xe quân sự, bắn rơi 11 máy bay các loại, thu 39 súng. VNCH buộc phải chấm dứt cuộc hành quân và đưa lực lượng còn lại về phía sau củng cố. Cho đến trước ngày ký Hiệp định Paris,quân lực Việt Nam Cộng hòa còn mở cuộc hành quân Sóng thần 18 (từ ngày 17-1 đến ngày 20-1-1973) đánh ra Cửa Việt. Nhưng, cũng như các cuộc hành quân mang tên Sóng thần trước đó, một lần nữa lại thất bại.

Ngày 21/1/1973, tướng Abrams, tướng Heige và tướng Ngô Quang Trưởng nhất trí với kế hoạch hành quân Tangocyti (tên gọi trận tấn công Cửa Việt-1972 của QLVNCH do các cố vấn Hoa Kỳ đặt). Đêm 25/1/1973, các tiểu đoàn 9 (lữ đặc nhiệm), 3 (lữ 258), lữ 147 và hơn 140 xe tăng nổ súng tấn công. Không lực Hoa Kỳ điều động 80 phi vụ B-52, pháo binh từ hạm đội 7 và 4 tiểu đoàn pháo ở TX Quảng Trị bắn hơn 60.000 viên đạn pháo yểm hộ cho QLVNCH. Các đơn vị TQLC thay đổi hẳn cách đánh so với "Lam Sơn 72", không tấn công vỗ mặt mà luồn qua các chốt của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu Cửa Việt.

23 giờ ngày 27/1, lữ đoàn đặc nhiệm đã tiếp cận cảng Cửa Việt. Đến 1 giờ ngày 28/1, Bộ tư lệnh B5 mới biết tin và ngay lập tức, điều trung đoàn 101 và 5 xe tăng đánh vào sườn Lữ đặc nhiệm ở Đông Hòa, Vĩnh Hòa, bắn cháy 8 xe tăng của thiết đoàn 17 nhưng không ngăn được đối phương tiến về cảng Cửa Việt. Rạng sáng ngày 28/1, Bộ tư lệnh B5 tiếp tục điều 5 tiểu đoàn tăng viện cho các lực lượng giữ Cửa Việt. Đến trưa 28/1, B5 điều tiếp Trung đoàn 24 (sư đoàn 304) và 1 đại đội xe tăng (thuộc trung đoàn 203) tấn công phía sau cánh quân của lữ đoàn đặc nhiệm VNCH.

Ngày 30/1/1973, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nổ súng tấn công nhưng các hướng không phối hợp được với nhau nên bị lữ đặc nhiệm và lữ 147 TQLC đẩy lùi. Rạng 31/1, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức tổng công kích đồng loạt vào 5 cụm quân của QLVNCH. 8h 30' sáng 31/1, ba cụm quân QLVNCH ở cảng bị diệt, hai cụm quân còn lại chạy về Mỹ Thủy. Tuyến phòng thủ Vĩnh Hòa, Thanh Hội, Long Quang, Chợ Sãi của mặt trận B5 được khôi phục. Cuộc hành quân Tangocyti không thu được kết quả nào.

Nhìn lại trên toàn bộ mặt trận Trị - Thiên, từ sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rút khỏi thị xã - Thành cổ Quảng Trị (16-9-1972) đến cuối tháng 1-1973, mặc dù VNCH liên tiếp mở các cuộc hành quân Lam Sơn 72A, Sóng thần 9, Sóng thần 36, Sóng thần 45, Sóng thần 18 nhằm tái chiếm lại Quảng Trị, nhưng đều bị đẩy lùi. Kế hoạch chiếm lại và tái lập vùng chiếm đóng đã bị rơi vào tay địch như trước tháng 5-1972 bị thất bại. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố tiêu diệt 29.822 lính, diệt gọn 12 đại đội, đánh thiệt hại nặng 15 tiểu đoàn và 2 chi đoàn xe tăng - thiết giáp, bắn rơi hơn 100 máy bay, phá hỏng, phá hủy 345 xe quân sự các loại (trong đó có 221 xe tăngxe thiết giáp), hơn 350 khẩu pháo các loại, 38 kho xăng, đạn, đánh sập 8 cầu, bắn cháy 8 tàu, 13 xuồng, thu 650 súng các loại và 24 máy thông tin…[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Trị_Thiên http://ngothelinh.tripod.com/DaiLoKinhHoang.html http://www.library.vanderbilt.edu/central/brush/Vi... http://baoquocte.vn/nho-ve-chien-thang-quang-tri-1... http://hanoimoi.com.vn/forumdetail/chinh_tri/32151... http://www.vnpt.com.vn/Vnpt/ProvincialPT/Quangtri/... http://danviet.vn/net-viet/tran-danh-vang-lung-cua... http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Tra... http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-quan-doi-n... http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.hoiuckynie... http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.ngannamgiu...